Vai trò của ông bà Ông_bà

Vai trò của ông bà đối với cháu là hết sức đa dạng. Các tác giả đã dùng hàng loạt từ ngữ đa dạng nhằm diễn đạt vai trò của ông bà, chẳng hạn như: "người canh gác", "người phân xử", "đệm stress", "nguồn cội", "người già được quý trọng", "người thầy thông thái", "người mang theo di sản và văn hóa gia đình", "vị cứu tinh thầm lặng của trẻ nhỏ khỏi những gia đình bất ổn", "cha mẹ thay thế",...[11]

Phân loại

Wykle, Whitehouse & Morris (2005) phân loại ông bà như sau:[12]

  • Ông bà chăm sóc chính (primary custodial grandparent): là loại ông bà đảm trách chính nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ em, không nhận được hoặc nhận được ít sự hỗ trợ từ phía cha mẹ bọn trẻ trong các gia đình mà cha mẹ sa vào ma túy, tù tội hoặc ruồng bỏ con mình.
Sự gia tăng tình trạng mang thai ở tuổi thanh thiếu niên, dịch HIV/AIDS, sử dụng ma túy,...khiến nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Những bậc cha mẹ đơn thân (sau ly hôn hoặc vợ/chồng chết) cũng ngày một quay sang cầu viện sự giúp đỡ của cha mẹ họ.[13] Khi này, ông bà có thể là người lãnh trách nhiệm nuôi dạy đứa cháu. Điều tra dân số của Hoa Kỳ đã hé lộ một số thông tin về vai trò của ông bà trong chăm sóc nuôi dạy cháu, chẳng hạn vào năm 1999 có 5,5 triệu trẻ em Mỹ (chiếm tỷ lệ 7,7%) là do bàn tay ông bà nuôi nấng.[14] Năm 2010, có 7 triệu trẻ Mỹ dưới 18 tuổi sống cùng ông bà; 2,7 triệu ông bà phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho một hoặc nhiều trẻ dưới 18 tuổi sống cùng họ.[15]
  • Người phụ giúp chăm sóc (additional caregiver): là loại ông bà hỗ trợ cha mẹ chăm sóc trẻ em. Thường thì họ là thành viên sống cùng nhà.
  • Người giữ trẻ (babysitter): là loại ông bà chỉ thỉnh thoảng mới phụ một tay trong vấn đề chăm sóc trẻ.
  • Ông bà vì sở thích (interest grandparent): là loại ông bà hiếm khi được nhờ chăm sóc đứa trẻ. Họ ở bên chúng chỉ vì sở thích.